“Mức độ thành công của một người được đánh giá qua những khát vọng, mơ ước của anh ta và cách anh ta đương đầu với những thất vọng trong cuộc sống” - đó là quan điểm của Robert Kiyosaki.

Với 18 cuốn sách đã được phát hành và bán ra được hơn 26 triệu bản trên toàn thế giới, nhà tư vấn, nhà đầu tư tài chính tự làm nên này chắc hẳn đã có một ước mơ rất mạnh mẽ. Từ những bước khởi đầu khá khiêm tốn ở Hawaii, đến nay Kiyosaki đã trở thành một trong những doanh nhân nổi tiếng được nể phục nhất cũng như gây ra nhiều tranh luận nhất trên thế giới. 

Sinh ngày 8/4/1947 ở Halo, Hawaii, thành phố ven biển lớn nhất ở hòn đảo này, Robert Toru Kiyosaki thuộc thế hệ người Mỹ gốc Nhật thứ tư. Cha của cậu bé là một nhà giáo dục được nhiều người kính nể ở Hawaii, từng giữ chức quản lý các trường học của bang. Sau khi tốt nghiệp Trường Trung học Hilo, Kiyosaki quyết định xin vào Học viện Thương mại hàng hải Hoa Kỳ ở New York. 

Tốt nghiệp học viện vào năm 1969, Kiyosaki xin gia nhập lực lượng hải quân. Năm 1974, Kiyosaki rời quân ngũ và vào làm việc cho Xerox với vai trò là một nhân viên bán hàng. Công việc này đã tạo ra một sự thay đổi lớn cho cuộc đời của Kiyosaki. 

Năm 1977, Kiyosaki cảm thấy không còn hài lòng với việc làm thuê nữa và nghĩ đến việc thành lập một công ty riêng. Cảm thấy hứng thú với triển vọng kinh doanh một loại ví bằng nilon kiểu velcro (có hai dải băng bằng sợi nilon để dán vào nhau thay cho dây kéo), Kiyosaki đã nhập mặt hàng này từ nước ngoài. Mặt hàng nhanh chóng trở nên phổ biến với những người yêu thích bộ môn lướt sóng, được gọi là “những chiếc ví dành cho người lướt sóng” (surfer wallet). Công ty đạt được thành công khiêm tốn ban đầu nhưng rồi cũng bị phá sản. Không chùn bước trước thất bại này, Kiyosaki đã chuyển sang một lĩnh vực kinh doanh mới. 

Đầu thập niên 1980, Kiyosaki thành lập công ty thứ hai, chuyên sản xuất áo T-shirt cho các ban nhạc rock. Nhưng không may là công ty này còn kém thành công hơn công ty đầu, nhanh chóng bị phá sản. Đến lúc này, Kiyosaki buộc phải chuyển hướng. 

Từng bước, Kiyosaki đã trở thành nhân vật chủ chốt trong các cuộc hội thảo có chủ đề “Money & You” (Tiền và bạn) nhằm tư vấn, định hướng phát triển cho các cá nhân. Những cuộc hội thảo này kéo dài ba ngày rưỡi và được bắt đầu bởi Marshall Thurber, sau đó được nhân rộng và trở nên phổ biến trên toàn nước Mỹ. Đến khi Thurber về hưu (năm 1985), Kiyosaki quyết định nắm lấy cơ hội bằng cách hợp tác với một đối tác cũ của Thurber là D.C Cordova. Cả hai thành lập một tổ chức giáo dục, tập trung vào các vấn đề tài chính và kinh doanh để giúp các cá nhân phát triển nghề nghiệp một cách độc lập. 

Mặc dù bị thua lỗ nặng ngay trong năm đầu tiên, công ty của Kiyosaki và Cordova đã cố gắng tồn tại. Trong chín năm tiếp theo, Kiyosaki đi vòng quanh thế giới để dạy cho các sinh viên về các chiến lược tài chính. Trong thời gian đó, ông đầu tư vào bất động sản và nhờ số tiền lời có được từ những khoản đầu tư này, Kiyosaki có thể nghỉ hưu ở tuổi 47. 

Thế nhưng không phải là một người thích hưởng cuộc sống an nhàn, chỉ hai năm sau, Kiyosaki đã trở lại với lĩnh vực đào tạo và đầu tư. Năm 1996, ông thành lập Cashflow Technologies Inc. - một tổ chức giáo dục về tài chính. Chương trình CASHFLOW 101 của công ty này tuy không thành công ngay tức thời nhưng sau đó đã trở nên phổ biến. 

Sau đó, Kiyosaki đã viết một cuốn sách làm nên tên tuổi của ông. Đó là cuốn sách có tựa đề Rich Dad and Poor Dad (Tạm dịch: Cha giàu, cha nghèo). Cuốn sách này đi ngược lại với những lời khuyên mà cha của Kiyosaki dành cho cậu từ thuở nhỏ là “Hãy tìm một việc làm tốt, làm việc chăm chỉ và tiết kiệm tiền”. Kiyosaki gọi đó là lời khuyên của một người cha nghèo và ông đưa ra lời khuyên của một người cha giàu là “Hãy học cách quản lý rủi ro và khiến đồng tiền phải phục vụ anh”. Rich Dad Poor Dad sau này đã được nhân bản thành một loạt sách 18 cuốn, được xuất bản ở 90 nước trên thế giới và bằng 45 ngôn ngữ khác nhau. Bộ sách này cũng trở thành một trong những cuốn sách bán chạy lâu nhất và nhờ nó, Kiyosaki đã được trang web kinh doanh sách trực tuyến Amazon.com đưa vào danh sách 25 tác giả nổi tiếng nhất trên thế giới. 


Hiện nay, có hơn 1.600 câu lạc bộ quản lý tài chính trên toàn thế giới được điều hành, giảng dạy bởi những người trung thành với các lý thuyết của Kiyosaki. Mặc dù những lời khuyên về đầu tư của Kiyosaki cũng nhận được không ít lời phê bình, chỉ trích, nhưng ngày càng có nhiều người trên thế giới tìm đến ông để mong biến những ước mơ làm giàu của họ thành sự thật. Các chuyên gia nghiên cứu về khởi nghiệp thì rút ra những bài học sau từ những thành công của Kiyosaki: 

1. Làm cho đồng tiền phải phục vụ mình: “Chúng ta đến trường để học cách làm việc cực nhọc nhằm kiếm tiền. Tôi viết sách và tạo ra những sản phẩm để dạy mọi người cách khiến cho đồng tiền phải phục vụ họ” - Kiyosaki nói. Theo ông, điểm khác biệt lớn nhất giữa người giàu và người nghèo là trong khi người giàu chú trọng vào việc mua thêm tài sản thì người nghèo lại bị ngập trong nợ nần. Do đó không nên làm việc cật lực để kiếm tiền mà học cách đầu tư thông minh để làm cho đồng tiền phải quay lại phục vụ mình. 

2. Muốn thành công phải học hỏi: “Anh phải trở thành một người khôn ngoan, thời làm ăn dễ dàng đã qua. Nếu anh không thể lập ra các báo cáo tài chính về tài sản và nợ nần của mình thì anh khó có thể ra những quyết định đầu tư có tiềm năng nhất - Kiyosaki khuyên. 

3. Những cơ hội lớn đến ngay từ suy nghĩ: “Người giàu biết cách tạo ra tiền. Các cơ hội lớn không đến từ việc quan sát, mà từ trong những suy nghĩ. Bạn cần phải tự học cách nhận ra các cơ hội” - Kiyosaki bật mí. 

4. Làm việc để tích lũy kinh nghiệm, chứ không phải vì tiền: “Nhiều doanh nhân không phát triển được vì họ thiếu kỹ năng lãnh đạo. Thay vì học hỏi ở những người khác, họ lại đổ lỗi cho người khác. Nhưng đổ lỗi là con đường ngắn nhất đi đến thất bại” - Kiyosaki chỉ rõ. 

5. Hãy hành động ngay hôm nay vì mục đích giành chiến thắng: “Khác biệt duy nhất giữa người giàu và người nghèo là cách sử dụng thời gian. Những người nghèo, người bất hạnh, người không thành công và người không khỏe mạnh là những người sử dụng từ “ngày mai” thường xuyên nhất. Ngày mai chỉ tồn tại trong ý nghĩ của những người sống bằng mộng tưởng và những người thất bại. Hãy bắt tay vào công việc ngay ngày hôm nay với mục tiêu là chiến thắng” - Kiyosaki khuyên.

dễ dàng học các kỹ năng căn bản tại kynangcanban.blogspot.com